• Tài khoản
    Mật khẩu
  • Công ty cổ phần Bóng Đèn phích nước Rạng Đông
    • Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2011

      Nhận định và dự báo tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2011.
      TÓM TẮT NHẬN ĐỊNH

      - Năm 2011 dự báo tiếp tục là một năm còn nhiều thử thách cho kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP có thể đạt 7 - 7.5%, nhưng Việt Nam vẫn cần một tỷ lệ đầu tư cao, vào khoảng 40% GDP, nhằm duy trì mức tăng trưởng này.

      - Chúng tôi dự báo xuất khẩu năm 2011 có thể tăng 9 - 12%, lên khoảng 77 tỷ USD, xuất khẩu tăng 8 - 9% lên 90 tỷ USD. Thâm hụt thương mại khoảng 13 tỷ USD, bằng 11% GDP. Mức tăng trưởng này tuy không lớn so với thời kỳ trước nhưng vẫn là một kết quả rất tích cực, nếu đạt được.

      - Lạm phát có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2011, do ảnh hưởng của tính chu kỳ và sức ép của một loạt các yếu tố nêu trên vẫn còn ở mức cao. Sau đó, áp lực lạm phát có thể giảm dần khi lãi suất tăng cao vào cuối năm 2010 bắt đầu có tác dụng.

      - Lãi suất có thể giảm sau quý 1/2011 với điều kiện là lạm phát được khống chế, đồng thời kỷ luật trong chi tiêu, đầu tư khu vực công được củng cố.

      - NHNN chịu áp lực phải điều chỉnh tỷ giá trong thời gian tới. Áp lực này sẽ càng lớn hơn khi thâm hụt cán cân thanh toán vẫn tiếp tục diễn ra và Việt Nam vừa bị hạ mức tín nhiệm, khiến dòng vốn nước ngoài trở nên dè dặt hơn. Năm 2011, chúng tôi dự báo tỷ giá sẽ dao động quanh mức 21,000 - 22,000 VND/USD nếu nền kinh tế duy trì được sự ổn định cần thiết. Trong kịch bản xấu hơn, VND có thể bị giảm giá nhiều hơn.

      - Dự kiến dòng vốn FDI giải ngân trong năm 2011 tăng 7-10%, lên khoảng 12 tỷ USD. Dòng vốn FPI vào Việt Nam sẽ được cải thiện nhờ định giá trên TTCK đang hấp dẫn, triển vọng dài hạn của nền kinh tế và dòng vốn dồi dào tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi.

      - Năm 2011, các ngân hàng sẽ chịu áp lực từ nợ xấu tăng cao, nhưng cũng sẽ là năm quan trọng để các ngân hàng Việt Nam tái cấu trúc và hoạt động lành mạnh hơn.

      NỘI DUNG CHI TIẾT

      Tăng trưởng kinh tế: Kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi sau khủng hoảng, nhưng những điểm yếu và khó khăn mang tính cơ cấu của nền kinh tế ngày càng thể hiện rõ.

      Chúng tôi cho rằng năm 2011 sẽ tiếp tục là một năm nhiều thử thách cho kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP có thể đạt mức 7 - 7.5% như chỉ tiêu của Quốc hội và thu nhập bình quân đầu người tính theo giá hiện tại khoảng 1,160 USD/người/năm.

      Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần một tỷ lệ đầu tư cao, vào khoảng 40% GDP, nhằm duy trì mức tăng trưởng. Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, Việt Nam cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao hiệu quả.

      Xuất nhập khẩu và cán cân thương mại: Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2010 đều tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn chủ yếu là do giá tăng. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tập trung vào nông sản, hàng thô, hàng gia công có giá trị gia tăng thấp. Hàng có hàm lượng công nghệ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Tình trạng này cũng sẽ chưa có nhiều cải thiện trong năm 2011.

      Việt Nam sẽ phải tiếp tục nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu, máy móc và hàng tiêu dùng. Trong năm 2011, cơ cấu nhập khẩu này dự kiến chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

      Chúng tôi dự báo xuất khẩu năm 2011 có thể tăng 9 - 12%, lên khoảng 77 tỷ USD, xuất khẩu tăng 8 - 9% lên 90 tỷ USD. Thâm hụt thương mại khoảng 13 tỷ USD, bằng 11% GDP. Mức tăng trưởng này tuy không lớn so với thời kỳ trước nhưng vẫn là một kết quả rất tích cực, nếu đạt được.

      Lạm phát tiếp tục chịu áp lực: Tình trạng lạm phát cao tiếp tục đe dọa sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong năm 2011. Do lạm phát của Việt Nam có tính cơ cấu nên việc kiểm soát không phải là công việc dễ dàng.

      Chúng tôi dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2011, do ảnh hưởng của tính chu kỳ và sức ép của một loạt các yếu tố nêu trên vẫn còn ở mức cao. Sau đó, áp lực lạm phát có thể giảm dần khi lãi suất tăng cao vào cuối năm 2010 bắt đầu có tác dụng.

      Lạm phát cả năm có thể được kiểm soát ở mức 7% nếu các kỷ luật về chi tiêu và đầu tư công, kiểm soát cung tiền được thực hiện một cách nghiêm túc.

      Lãi suất chỉ giảm nếu lạm phát được kiểm soát: Hiện nay, lãi suất đã lên mức quá cao, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất.

      Tương tự như vấn đề lạm phát, lãi suất cao ở Việt Nam xuất phát từ những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Chúng tôi cho rằng lãi suất cao tiếp tục là một mối quan ngại và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2011.

      Lãi suất có thể giảm sau quý 1/2011 với điều kiện là lạm phát được khống chế, đồng thời kỷ luật trong chi tiêu, đầu tư khu vực công được củng cố. Chất lượng đầu tư trong nền kinh tế cũng phải được cải thiện để giảm áp lực phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư phục vụ cho tăng trưởng.

      VND sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá: Tỷ giá được giao dịch trên thị trường phi chính thức đang cao hơn tỷ giá niêm yết khoảng 9% và thực tế này đã tồn tại trong một thời gian dài.

      Do vậy, NHNN đang chịu áp lực phải điều chỉnh tỷ giá trong thời gian tới. Áp lực này sẽ càng lớn hơn khi mà thâm hụt cán cân thanh toán vẫn tiếp tục diễn ra và Việt Nam vừa bị hạ mức tín nhiệm, khiến dòng vốn nước ngoài trở nên dè dặt hơn.

      Năm 2011, chúng tôi dự báo tỷ giá sẽ dao động quanh mức 21,000 - 22,000 VND/USD nếu nền kinh tế duy trì được sự ổn định cần thiết. Trong kịch bản xấu hơn, VND có thể bị giảm giá nhiều hơn.

      Dòng vốn đầu tư nước ngoài: Vốn đầu trực tiếp (FDI) đăng ký năm 2010 đã giảm mạnh so với 2 năm trước. Điều này cho thấy mức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam đối với nhà đầu tư quốc tế đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Điểm tích cực là vốn FDI giải ngân lại tăng khá mạnh và dự kiến năm 2010 đạt 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009. Năm 2011, dự kiến dòng vốn FDI giải ngân tăng 7-10%, lên khoảng 12 tỷ USD.

      Đối với vốn đầu tư gián tiếp (FPI), trong giai đoạn 2009 - 2010, Việt Nam đã không tận dụng được cơ hội để thu hút dòng vốn này như các nước Đông Nam Á khác. Năm 2010, FPI ròng vào Việt Nam chỉ vào khoảng 1 tỷ USD.

      Năm 2011, dòng vốn FPI vào Việt Nam sẽ được cải thiện nhờ định giá trên TTCK đang hấp dẫn, triển vọng dài hạn của nền kinh tế và dòng vốn dồi dào tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi.

      Tuy nhiên, để thu hút dòng vốn này, các chính sách kinh tế đặc biệt là chính sách quản lý ngoại hối, về lâu dài phải thực sự cởi mở và hợp lý. Để FPI vào mạnh, chúng ta sẽ cần đến những chính sách mạnh mẽ để ổn định nền kinh tế, nâng cao tín nhiệm của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

      Hệ thống ngân hàng trước cơ hội tái cấu trúc: Năm 2010, hệ thống ngân hàng chịu nhiều áp lực từ các chính sách mới, đặc biệt là Thông tư 13 và yêu cầu tăng vốn điều lệ tối thiểu. Việc giãn tăng vốn điều lệ lên 3,000 tỷ đồng đối với các ngân hàng nhỏ có thể giúp giải tỏa áp lực trong ngắn hạn. Về dài hạn, nâng cao tiêu chuẩn đối với ngân hàng là một việc làm cần thiết để đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính.

      Năm 2011, các ngân hàng sẽ chịu áp lực từ nợ xấu tăng cao, đặc biệt tỷ lệ nợ xấu sẽ cao hơn nhiều nếu áp dụng tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IAS/IFRS). Năm 2011 cũng sẽ là năm quan trọng để các ngân hàng Việt Nam tái cấu trúc và hoạt động lành mạnh hơn.

      Theo báo vietstock.vn

      '

Nhãn hiệu nổi tiếng - Nhãn hiệu cạnh tranh 2023
  • SỰ KIỆN LỚN TRONG NĂM
  • XEM NHIỀU NHẤT