Doanh nghiệp Việt và cuộc chiến bảo vệ nhãn hiệu: Góc nhìn từ Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam
(SHTT) - Doanh nghiệp
Việt đang đứng trước những cơ hội và cả các thách thức trong việc xác lập quyền
nhãn hiệu, nâng cao giá trị nhãn hiệu cũng như bảo vệ nhãn hiệu chống xâm phạm.
Người đứng đầu của Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc đã có
những chia sẻ sâu sắc về vấn đề này.
Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam khẳng định: Nhãn hiệu là một loại
tài sản vô hình có giá trị cao trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Vì
vây, việc xác lập, phát triển, khai thác các quyền đối với nhãn hiệu, nâng cao
giá trị nhãn hiệu cũng như thực hiện các hành vi bảo vệ và xử lý xâm phạm quyền
đối với nhãn hiệu giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của doanh
nghiệp. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình
chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đang gây tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh
của đời sống xã hội, đã tạo ra nhiều cơ hội cũng như các thách thức cho doanh
nghiệp Việt Nam đối với loại tài sản vô hình này.
Chủ tịch Hội Sở hữu
Trí tuệ Việt Nam, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc
Cơ hội dành cho doanh
nghiệp Việt trong thời đại kỷ nguyên số
Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc đã chỉ ra những cơ hội dành cho doanh nghiệp Việt
trong thời đại kỷ nguyên số.
Thứ nhất, mở rộng thị
trường trong nước và quốc tế
Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng các công nghệ số như
trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật,… để tối ưu hóa hoạt động,
cải thiện dịch vụ khách hàng, nâng cao năng suất, tăng cường hiệu quả sản xuất
kinh doanh, mở rộng thị trường và phát triển việc thiết lập quan hệ đối tác. Sự
phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử tại Việt Nam mang đến cho các
doanh nghiệp một phương thức mới và hiệu quả để quảng bá nhãn hiệu, tiếp thị sản
phẩm đến với người tiêu dùng trong nước cũng như trên toàn cầu, qua đó thúc đẩy
hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, việc đăng ký và phát triển nhãn hiệu mạnh là hết sức
cần thiết để tạo nên danh tiếng cho các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh
tranh, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng, và giúp các doanh nghiệp Việt Nam
thiết lập thương hiệu của mình tại thị trường trong nước và trên trường quốc tế.
Thứ hai, gia tăng giá
trị tài sản của doanh nghiệp
Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc nhấn mạnh việc phát triển và áp dụng kỹ thuật số
đem lại các lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp như nâng cao chất lượng sử dụng
nguồn lực, giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí giao dịch. Hoạt động kinh doanh
phát triển mạnh mẽ, sản phẩm mang nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến và ghi
nhận có thể làm gia tăng giá trị nhãn hiệu, góp phần nâng cao giá trị tài sản của
doanh nghiệp.
Thứ ba, áp dụng công nghệ
cao trong các hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)
Người đứng
đầu của Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đánh giá việc áp dụng thành tựu công
nghệ cao vào các nguồn tài nguyên SHTT sẽ tạo nên hệ thống cơ sở dữ liệu SHTT
trực tuyến quốc gia hoặc toàn cầu với nguồn thông tin/tài liệu hữu ích và toàn
diện về SHTT. Các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin này cho
các hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp có
thể sử dụng các công nghệ tiên tiến, ví dụ như trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc
theo dõi, giám sát và phát hiện các hành vi xâm phạm quyền SHTT, nhằm hỗ trợ
cho các hoạt động thực thi quyền SHTT của doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Thứ tư, thúc đẩy hoạt động đổi mới và sáng tạo
của doanh nghiệp.
Thời đại kỷ nguyên số mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động đổi
mới sáng tạo nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình, hệ thống quản lý mới
áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng lợi thế cạnh
tranh, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng. Không chỉ vậy, hoạt động đổi
mới sáng tạo giúp tạo ra sản phẩm và dịch vụ khác biệt của doanh nghiệp, nâng
cao vị trí của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh
mẽ và uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ năm, tăng cường
việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT của các doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cũng cho biết hiện nước ta đã có những
bước tiến đáng kể trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm
đáp ứng các tiêu chuẩn đầy đủ và hiệu quả, tương thích với các chuẩn mực quốc tế,
ví dụ như Luật SHTT sửa đổi năm 2022, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức TAND sửa
đổi, chính thức đưa ra quy định thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt SHTT vào
ngày 24/06/2024. Sự phát triển của hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam sẽ tạo
sự tin tưởng cho các doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền SHTT của mình, khuyến
khích các doanh nghiệp chú trọng và đầu tư mạnh mẽ hơn vào xác lập quyền đối với
nhãn hiệu và tiến hành các biện pháp thực thi quyết liệt hơn để chống lại các
hành vi xâm phạm quyền đang ngày một gia tăng.
Thách thức mà doanh
nghiệp Việt đang gặp phải trong việc bảo vệ nhãn hiệu
Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội trên, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc cũng chỉ
ra những thách thức mà doanh nghiệp Việt đang gặp phải trong việc bảo vệ nhãn
hiệu.
Đó là việc hạn chế về nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, nguồn
lực và năng lực công nghệ số của doanh nghiệp. Mặc dù hoạt động chuyển đổi số
đang được tiến hành mạnh mẽ trong các doanh nghiệp nhưng vẫn còn một số cá nhân
chưa nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động này, từ đó dẫn đến sự thiếu
bài bản khi hoạch định chiến lược và triển khai hoạt động chuyển đổi số trong
các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc thiếu nguồn nhân lực, kỹ năng về công nghệ số
cũng là rào cản cho quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Hơn nữa, hạn chế
về vốn và chi phí đầu tư cao vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng là
thách thức đáng kể đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông, vấn đề an
ninh mạng, bảo mật thông tin cũng là một thách thức đối với doanh nghiệp.
Sự phổ biến của internet và các hệ thống thiết bị kỹ thuật số đã tạo ra
sự dễ dàng trong việc sao chép, chia sẻ thông tin dẫn đến nguy cơ các thông
tin, bí mật thương mại của doanh nghiệp bị đánh cắp, làm suy giảm lợi nhuận của
doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin cũng đặt ra cho
doanh nghiệp các thách thức về việc trang bị các sản phẩm, phần mềm bảo mật chất
lượng cao.
Ngoài ra, hoạt động thực thi quyền SHTT chưa hiệu quả.
Mặc dù hoạt động thực thi quyền SHTT của Việt Nam trong những năm gần
đây đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của
các chủ thể. Một trong các lý do là việc xử lý các xâm phạm về SHTT phần lớn dựa
vào thủ tục và chế tài hành chính, trong khi chỉ có một số lượng không đáng kể
các vụ việc tranh chấp về SHTT được xử lý theo biện pháp dân sự và hình sự, gây
quá tải cho các cơ quan xử lý vi phạm hành chính. Việc Quốc hội thông qua Luật
Tổ chức TAND sửa đổi, chính thức đưa ra quy định thành lập tòa án chuyên biệt
SHTT vào ngày 24/06/2024 có thể xem là bước tiến mới thúc đẩy hệ thống bảo vệ
và thực thi quyền SHTT mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn.
Trong thời đại công nghệ số, các vụ việc xâm phạm quyền SHTT ngày càng
gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp. Do đó, việc thực thi quyền SHTT và
chống hàng giả, vẫn là thách thức cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt cần
làm gì để bảo vệ nhãn hiệu một cách hiệu quả trên thị trường quốc tế?
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam nhấn
mạnh tài sản trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động
và phát triển của doanh nghiệp. Trong đó nhãn hiệu luôn được khẳng định là một
tài sản quý giá, không thể thiếu trong việc xây dựng hình ảnh và danh tiếng sản
phẩm, dịch vụ. Đây cũng là yếu tố quan trọng kết nối giữa doanh nghiệp và người
tiêu dùng, đồng thời là cơ sở để hình thành và nâng cao uy tín của doanh nghiệp
trên thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn bảo vệ nhãn hiệu hiệu
quả trên thị trường quốc tế cần thực hiện các hoạt động sau:
Cần sớm thực hiện chiến lược bảo hộ nhãn hiệu ở trong nước và quốc tế
(thị thường dự kiến hoạt động), song song với việc phát triển sản phẩm, kêu gọi
vốn đầu tư, lên kế hoạch marketing và bán hàng;
Nhận thức đầy đủ hơn về quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, ý thức hơn về việc
chủ động tự bảo vệ quyền của mình cũng như tôn trọng quyền SHTT của người khác;
Quan tâm hơn tới giá trị và việc định giá giá trị nhãn hiệu, từ đó đánh
giá đầy đủ về tiềm năng của nhãn hiệu, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược khai
thác và bảo hộ hợp lý; Xây dựng nhãn hiệu - thương hiệu phải gắn chặt với công
tác quản trị nhãn hiệu - thương hiệu;
Đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác hiệu quả chất lượng hàng hóa/dịch vụ gắn
liền với nhãn hiệu;
Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển, làm chủ công nghệ
hiện đại; phát triển một số sản phẩm chủ lực đã có nhãn hiệu - thương hiệu, có
uy tín ở thị trường trong nước và quốc tế;
Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ nhãn hiệu cũng như thấu hiểu những
khó khăn mà các doanh nghiệp Việt hiện đang gặp phải. Chủ tịch Hội Sở hữu Trí
tuệ Việt Nam cho biết thời gian qua, Hội thường xuyên tổ chức các tọa đàm/hội
thảo quốc tế về SHTT dành cho các doanh nghiệp hội viên nhằm cung cấp các thông
tin, kiến thức, kỹ năng và các dịch vụ về bảo hộ quyền SHTT trong nước và quốc
tế để nâng cao nhận thức, giúp DN chủ động năng lực cạnh tranh trên thị trường
trong và ngoài nước;
Không chỉ vậy, Hội cũng tổ chức các chương trình định kỳ hàng năm nhằm hỗ
trợ các doanh nghiệp hội viên như Chương trình NH hàng đầu Việt Nam – Sản phẩm
vàng – Dịch vụ vàng Việt Nam, Chương trình Nhãn hiệu nổi tiếng – Nhãn hiệu cạnh
tranh Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động bảo hộ quyền SHTT
nói chung và quyền đối với nhãn hiệu nói riêng, chú trọng nghiên cứu phát triển
công nghệ tạo ra các sản phẩm/dịch vụ mới có khả năng cạnh tranh với các đơn vị
khác trong khu vực và quốc tế;
Trích nguồn: Tạp trí điện
tử Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo.