DeepSeek gặp khó khi đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ
(SHTT) - Theo TechCrunch, DeepSeek đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu lên Văn
phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) vào cuối tháng 1 vừa qua, tuy
nhiên khả năng cao hồ sơ này sẽ không được bảo hộ thành công do trước đó đã có
một công ty khác đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cùng tên.
Theo đó, chỉ 36 giờ trước khi DeepSeek nộp đơn
đăng ký nhãn hiệu lên USPTO, một công ty công nghệ khác có tên Delson Group, có
trụ sở tại Delaware (Mỹ), đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu DeepSeek.
Việc đi chậm một bước so với Delson Group có thể
khiến mục tiêu bảo vệ các ứng dụng, sản phẩm và công cụ chatbot AI của mình tại
thị trường Mỹ của DeepSeek gặp phải trở ngại lớn theo quy trình chung được đề
ra liên quan tới vấn đề đăng ký nhãn hiệu.
Theo Techcrunch, Delson Group là doanh nghiệp
công nghệ phát triển và kinh doanh các sản phẩm trí tuệ nhân tạo dưới thương hiệu
DeepSeek từ đầu năm 2020.
Trong đơn đăng ký được nộp lên USPTO, Delson
Group cho biết rằng họ có trụ sở tại Cupertino và Giám đốc điều hành kiêm người
sáng lập của nó là Willie Lu.
Theo hồ sơ LinkedIn của Willie Lu, ông từng là
giáo sư tư vấn tại Stanford và là cố vấn cho Ủy ban Truyền thông Liên bang.
Đáng chú ý, Willie Lu cũng tốt nghiệp tại Đại học Chiết Giang, cùng trường đại
học với người sáng lập DeepSeek của Trung Quốc, Liang Wenfeng.
Ngoài kinh doanh công nghệ, Techcrunch cho biết,
Willie Lu hiện đang tổ chức khoa học có tên DeepSeek tại Las Vegas nhằm đào tạo
về siêu trí tuệ nhân tạo. Mô tả của khóa học nêu rõ rằng người sáng lập khóa học
có “khoảng 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông
và AI”.
Trên thực tế, khi tra cứu từ khóa “Delson Group”
trong hệ thống truy vấn nhãn hiệu của Ban xét xử và phúc thẩm nhãn hiệu Hoa Kỳ
có thể tìm thấy hơn 20 tranh chấp giữa doanh nghiệp của Willie Lu và các tổ chức
như GSMA, Tencent và TracFone Wireless. Bản thân công ty đã từ bỏ một số nhãn
hiệu mà họ đã đăng ký hoặc hủy bỏ các đơn đăng ký đang chờ xử lý.
Một đánh giá chi tiết về nhãn hiệu USPTO cho thấy
trong tổng số 28 nhãn hiệu thuộc sở hữu của Delson Group, một vài trong số đó
thực sự thuộc sở hữu của các công ty lớn của Trung Quốc (ví dụ: công ty của Lu
đã đăng ký nhãn hiệu «Geely' và «China Mobile»).
Tất cả những chi tiết này cho thấy trong vụ việc
đăng ký nhãn hiệu 'DeepSeek' mới nhất, tận dụng sự phổ biến của thương hiệu,
công ty có khả năng sẽ nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu để bán lại.
Chiêu trò này tương tự từng được sử dụng bởi
doanh nhân Trung Quốc Zhang Baosheng, người đã đăng ký thành công nhãn hiệu tên
tiếng Anh "Tesla" tại Trung Quốc, cũng như logo Tesla "T",
phông chữ và tên phiên âm tiếng Trung Quốc. Zhang Baosheng sau đó đã đồng ý bán
lại nhãn hiệu cho Tesla với số tiền không được tiết lộ.
Trên thực tế, bản thân OpenAI cũng từng rơi vào
tình trạng tương tự khi không đăng ký được nhãn hiệu 'GPT' sau khi USPTO đánh
giá thuật ngữ này quá chung chung. Trong những tháng qua, công ty khởi nghiệp của
Sam Altman cũng đã đấu tranh để giành quyền sử dụng cụm từ “Open AI” với nhà
công nghệ và doanh nhân Guy Ravin.
Trích nguồn: Tạp chí điện tử Sở hữu
trí tuệ và Sáng tạo