• Tài khoản
    Mật khẩu

VAYSE hỗ trợ và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính

STNN – VAYSE tin tưởng các tổ chức khoa học công nghệ, các nhà khoa học và kỹ sư trẻ sẽ là những nhân tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi xanh toàn diện.




Ngày 29/5/2024, Viện Sinh thái nhân văn và Phát triển bền vững (HESDI) sẽ ký kết hợp tác với Liên hiệp Khoa học Công nghệ Xanh Việt Nam (USTG), Viện Nghiên cứu Công nghệ hỗ trợ nông nghiệp (Astri), Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ (TSC), Trung tâm Dịch vụ khoa học và công nghệ (ITSC) và TCĐT Sinh thái nông nghiệp (STNN) nhằm thúc đẩy và triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ xanh, góp phần giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Lê Phước Minh, Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam (VAYSE), dự án hợp tác này đang tập trung vào các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, xử lý chất thải và các giải pháp công nghệ xanh khác. “Chúng tôi tin rằng các tổ chức khoa học công nghệ, các nhà khoa học và kỹ sư trẻ sẽ là những nhân tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi xanh toàn diện trong thời gian tới”, ông Minh chia sẻ.

TS. Trần Hồng Hải, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái nhân văn và Phát triển Bền vững (HESDI), Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu, tư vấn và hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực về công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững các hệ sinh thái”. Viện HESDI đã triển khai các hoạt động về nghiên cứu, tư vấn về các giải pháp công nghệ, chính sách hiệu quả để Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp; tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho các chuyên gia, cán bộ quản lý về các công nghệ và quản trị liên quan đến giảm phát thải, truy xuất nguồn gốc và ESG.

TS. Tống Văn Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Hỗ trợ Nông nghiệp (ASTRI) cho biết, Viện ASTRI đang phát triển các mô hình nông nghiệp có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm lượng phát thải, kết hợp với điện mặt trời. Viện Astri cũng đang tập trung nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động nông nghiệp, như sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, áp dụng nông nghiệp bảo tồn, cải thiện quản lý đất đai và tưới tiêu, v.v..

Bên cạnh đó, Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ (TSC), một đơn vị tham gia hợp tác cũng đang cung cấp các dịch vụ đào tạo, tư vấn và môi giới công nghệ xanh cho doanh nghiệp. Nghiên cứu và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản như công nghệ blockchain, IoT để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, giúp tăng tính minh bạch, trách nhiệm giới hạn và tính bền vững trong chuỗi cung ứng nông sản; Xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất nông sản an toàn, thân thiện với môi trường và có thể truy xuất nguồn gốc.

Góp phần thúc đẩy các ý tưởng và mô hình sáng tạo, khởi nghiệp xanh, hỗ trợ phát triển các ý tưởng và mô hình kinh doanh xanh, bền vững, Trung tâm Dịch vụ khoa học và công nghệ (ITSC) đã có kế hoạch triển khai các hoạt động ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, công nghệ truy xuất nguồn gốc và các giải pháp ESG; Cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo, kết nối các nhà khoa học, kỹ sư và doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm, dịch vụ có tính bền vững cao.

Đại diện Liên hiệp Khoa học Công nghệ Xanh Việt Nam (USTG), Chủ tịch Lại Thành Nam cho biết, USTG với vai trò là tổ chức liên kết các đơn vị thành viên, có thể phối hợp, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính. USTG đã và sẽ tổ chức các diễn đàn, hội thảo, sự kiện để các đơn vị thành viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các giải pháp công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính; Xây dựng các chương trình, dự án hợp tác liên ngành, liên vùng để triển khai các nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp.

TCĐT Sinh thái nông nghiệp (STNN) tham gia dự án nhằm hỗ trợ tuyên truyền, lan tỏa các giải pháp và gương điển hình trong lĩnh vực này. Là một tạp chí chuyên về lĩnh vực sinh thái nông nghiệp, STNN có thể phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến các thông tin, kiến thức về: Các mô hình, giải pháp nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh nhằm giảm phát thải khí nhà kính; Các công nghệ, quy trình sản xuất nông sản có thể truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn ESG; Các chính sách, định hướng, cam kết của Chính phủ về giảm phát thải, truy xuất nguồn gốc và ESG trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các thông tin này, STNN có thể góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc áp dụng các mô hình, công nghệ nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường trong cộng đồng nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, với sự nỗ lực và phối hợp hiệu quả giữa các thành viên, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam sẽ góp phần đáng kể vào việc Việt Nam hoàn thành các cam kết về khí hậu quốc gia, hướng tới một tương lai xanh và bền vững. Sự hình thành và phát triển dự án hợp tác sẽ giúp cho các bên tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao năng lực và tạo lập hệ sinh thái về công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng các giải pháp công nghệ xanh.


Trích nguồn: https://sinhthainongnghiep.net.vn/

Nhãn hiệu nổi tiếng - Nhãn hiệu cạnh tranh 2023
  • SỰ KIỆN LỚN TRONG NĂM
  • XEM NHIỀU NHẤT